Blogs

« Back

Luat su Nguyen Xuan Nhat tra loi hoi dap ve doi tuong khong duoc thanh lap doanh nghiep

Luật sư Nguyễn Xuân Nhất trả lời hỏi đáp về đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Quy định về đối tượng không được thành lập doanh nghiệp là một trong những chủ đề tư vấn luật doanh nghiệp được rất nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Trong bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng Luật sư Nguyễn Xuân Nhất phân tích về các đối tượng không được thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành.


Bạn đọc đặt câu hỏi:


Kính chào Luật sư Nguyễn Xuân Nhất, tôi tên là Nam, hiện là một cán bộ cấp xã. Được người quen gợi ý, tôi có ý định mở công ty kinh doanh gạo xuất khẩu, nhưng tôi nghe nói, đã là cán bộ Nhà nước thì không được phép thành lập doanh nghiệp. Không biết điều này có đúng không, mong luật sư giải đáp giúp tôi! - Anh Nam (Bà Rịa).


Luật sư Nguyễn Xuân Nhất trả lời:



Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của văn phòng Luật sư Nguyễn Xuân Nhất, với câu hỏi của bạn chúng tôi đưa ra giải đáp mang tính chất tham khảo như sau:

1. Đối tượng không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp gồm những ai?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp, những đối tượng không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm:


- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;


- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;


- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;


- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;


- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.


Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.


Ngoài ra, bên cạnh Luật Doanh nghiệp 2014 đang có hiệu lực, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:


- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;


- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);


- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

2. Những đối tượng nào không được phép góp vốn vào doanh nghiệp thì sao?

 

Đối với thắc mắc những đối tượng nào không được phép góp vốn vào doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì những đối tượng này bao gồm:


- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;


- Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

3. Vì sao cán bộ, công chức, viên chức không được phép thành lập doanh nghiệp?

Như chúng ta ít nhiều đã biết, cán bộ, công chức, viên chức là những người có quyền hạn trong cơ quan Nhà nước và nắm giữ những chức trách, nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Do đó, pháp luật quy định cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là nhằm ngăn tình trạng tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền có thể xảy ra.


Công chức vừa đồng thời là người quản lý, vừa đồng thời là người kinh doanh sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, dễ biến doanh nghiệp trở thành “sân sau” của mình để thu lợi bất chính. Cũng vì lý do này mà Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định công chức là người đứng đầu, cấp phó trong cơ quan Nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp quản lý hoặc để vợ/chồng; bố/mẹ; con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề đó.


Việc pháp luật quy định đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp như vậy rất hợp lý. Nếu không có những quy định này, khả năng lớn trong các hoạt động kinh doanh cán bộ, công chức, viên chức đan xen quyền lực, nhiệm vụ của mình trong cơ quan nhà nước để tư lợi cá nhân, xao nhãng trách nhiệm, thậm chí có thể vi phạm pháp luật nghiêm trọng.


Như vậy, đối với trường hợp của bạn Nam, bạn không được phép mở và quản lý công ty xuất khẩu gạo theo nội dung quy định “Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức” của Luật Doanh nghiệp 2014. Hy vọng bạn hài lòng với phần giải đáp của chúng tôi - văn phòng Luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Chúc bạn luôn thành công và hạnh phúc!


Bạn đọc có thể đặt các câu hỏi về pháp luật doanh nghiệp, đưa ra các tình huống trong công việc để được văn phòng luật sư Nguyễn Xuân Nhất giải đáp, cung cấp các giải pháp cho các vấn đề được đưa ra.


Tham khảo thêm một số thông tin của Luật sư Nguyễn Xuân Nhất, người phụ trách các bài viết tại MISA AMIS tại:


https://gab.com/nguyenxuatnhat

https://yarabook.com/nguyenxuatnhat

https://www.pinterest.com/nguyenxuatnhat050689/

Comments
Trackback URL: